Đại đa số các bạn đi du học Nhật Bản đều có mong muốn được học tập và làm việc lâu dài tại Nhật. Một khi đã tốt nghiệp tại trường chuyên môn cùng với chứng chỉ tiếng Nhật thì bạn hoàn toàn có thể chuyển visa du học sang visa làm việc.
Về nguyên tắc, người nước ngoài vào Nhật Bản cần phải xin visa cư trú thì mới được phép nhập cảnh và sinh sống tại Nhật được. Người nước ngoài có visa cư trú tại Nhật Bản chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định cho mỗi loại visa cư trú. Vì vậy, khi bạn đi làm thì bạn phải làm thủ tục đổi visa, chuyển từ visa du học sang visa lao động (theo ngành nghề là “Kỹ thuật/Trí thức nhân văn/Nghiệp vụ quốc tế”…).
Chuyển visa từ du học sang lao động như thế nào?
Sau khi hoàn thành chương trình chuyên môn, và có bằng tiếng Nhật, những du học sinh có cơ hội chuyển sang visa lao động để làm việc, cụ thể là kỹ thuật viên hay kỹ sư.
Ai có thể chuyển được visa?
Những du học sinh trước khi đi du học Nhật Bản đã hoàn thành bằng chuyên môn tại Việt Nam. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình tiếng Nhật, bạn có thể làm thủ tục chuyển visa ngay và luôn.
Đối với những du học sinh chưa hoàn thành bằng chuyên môn hoặc bằng chuyên môn không phù hợp, thì chắc chắn phải học ngay sau khi hoàn thành khóa học tiếng Nhật. Cũng như Việt Nam, việc học chuyên môn cũng bao gồm các bậc học từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học
Làm thế nào để chuyển visa từ diện du học sang lao động?
Việc chuyển visa từ diện du học sang lao động không quá phức tạp. Nếu bạn chưa biết các trình tự, thủ tục chuyển visa như thế nào có thể tham khảo theo hướng dẫn dưới đây:
1. Các bước chuyển visa
• B1: Tìm công ty xin việc
• B2: Phỏng vấn
• B3: Làm hồ sơ và nộp lên cục xuất nhập cảnh
• B4: Chờ kết quả
2. Chi phí
Nếu bạn tự làm thì chi phí không đáng kể. Nếu qua công ty thì tùy theo trình độ tiếng Nhật cũng như trình độ chuyên môn của bạn mà chi phí sẽ khác nhau.
3. Hồ sơ thông thường:
Về nguyên tắc, đơn xin thay đổi tư cách lưu trú từ “du học” sang “lao động” yêu cầu người làm đơn đến và làm thủ tục ở cục quản lý xuất nhập cảnh (Nyukan, 入館) gần nhất. Những giấy tờ cần thiết bao gồm:
Do chính người xin visa chuẩn bị:
a) Hộ chiếu và thẻ lưu trú (在留カード)
Chú ý rằng hộ chiếu phải còn hiệu lực.
b) Đơn xin thay đổi tư cách lưu trú ( đơn này sẽ khác nhau tùy vào loại tư cách lưu trú )
( N: nghiên cứu, kĩ thuật, nhân văn/xã hội, quốc tế, kĩ nghệ, hoạt động đặc biệt (イ・ロ); M: đầu tư, kinh doanh; I: giáo sư, giáo dục; U: khác )
Mẫu đơn có thể nhận được ở cục nhập cảnh, hoặc có thể tải về từ trang chủ của bộ tư pháp.
http://www.moj.go.jp/tetsuduki_shutsunyukoku.html
c) Ảnh thẻ 3×4 để dán vào đơn
d) Giấy nêu lý do làm đơn
Đây không phải giấy tờ bắt buộc nhưng nó sẽ được sử dụng như tài liệu tham khảo khi xem xét cấp tư cách lưu trú mới. Giấy này không có mẫu cố định, nhưng trong đó nên giải thích lý do xin việc, thể loại công việc có liên quan thế nào đến chuyên ngành ở đại học… Vì vậy hãy chú ý viết lý do thật hợp lý để tăng khả năng xin được visa nhé!
(Ví dụ: Công việc có liên quan thế nào đến nguyện vọng, chuyên ngành đã học,…)
- Giấy tờ từ nơi làm việc:
e) Giấy chứng nhận đăng ký pháp nhân (法人登記事項証明書):
Xin giấy chứng nhận này từ công ty tuyển dụng (giấy được cấp trong vòng 3 tháng)
f) Bản copy hợp đồng làm việc: hợp đồng giữa bạn và công ty tuyển dụng là tài liệu cần thiết.
Bản copy về thay đổi nhân sự hay giấy thông báo tuyển dụng đều được chấp nhận, tuy nhiên nó cần được ghi rõ ràng một số mục về điều kiện lao động như: thời gian lao động, địa điểm và nội dung công việc, thời hạn lao động, mức lương và điều kiện nghỉ việc.
g) Bản copy về báo cáo quyết toán của công ty:
Báo cáo quyết toán là giấy tờ chứng minh việc vay mượn cũng như lỗ hay lãi hằng năm. Hãy xin một bản của năm gần nhất. Trường hợp công ty mới và chưa có bản quyết toán của năm trước đó, hãy xin và nộp bản kế hoạch công việc trong một năm tiếp theo.
h) Bản copy về các tổng kết hợp pháp (ví dụ: thuế lợi tức trong 1 năm tài khóa ) :
Đây là tài liệu từ công ty tuyển dụng nộp cho sở thuế vào tháng 1 hàng năm. Bản copy được chấp nhận nhưng cần có dấu xác nhận của sở thuế. Trường hợp công ty mới, hãy nộp một trong số các tài liệu sau: bản copy giấy xác nhận việc thành lập phòng kế toán, bản kê khai thu nhập trong vòng 3 tháng gần nhất, bản tổng kết thuế thu nhập hưu trí…
i) Hướng dẫn về công ty: nếu có thể hãy nộp pamphlet giới thiệu về công ty.
Bản tải về từ trang chủ của công ty được chấp nhận, tuy nhiên cần có tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, lịch sử, vốn cổ phần, giám đốc điều hành, cơ cấu tổ chức, số lượng nhân viên, số lượng nhân viên người nước ngoài, lãi hàng năm, nội dung công việc…
j) Đơn nêu lý do tuyển dụng:
Đây không phải tài liệu bắt buộc nhưng là tài liệu tham khảo khi xem xét cấp tư cách lưu trú. Dù không có form mẫu nhưng cần nêu được chi tiết lý do tuyển dụng, điều bắt buộc, nội dung công việc…
(***)Vì những lý do riêng mà có thể việc nộp những tài liệu như bản báo cáo quyết toán, giấy chứng nhận đăng ký pháp nhân của công ty tuyển dụng hay cuốn giới thiệu công ty, bản kê khai tổng hợp thuế không được chấp nhận, cũng có trường hợp cần nộp thêm một số tài liệu khác.
Giấy tờ từ trường học:
k) Giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (卒業見込み): Đây là giấy được cấp bởi trường đại học bạn đang theo học. Lưu ý là cần bản gốc, và nếu bạn học trường dạy nghề (専門学校) thì cần nộp giấy chứng nhận bằng cấp chuyên môn.
l) Trường hợp không thể nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp ngay khi làm đơn, có thể nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời thay thế. Sau khi nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp sẽ phải nộp bản gốc. Để có thể bắt đầu đi làm ngay từ tháng 4, bạn có thể bắt đầu làm đơn trước 3 tháng (từ tháng 1).
Trường hợp tài liệu cần nộp được viết bằng tiếng nước ngoài, hãy đính kèm bản dịch tiếng Nhật. Tài liệu nộp ở cục nhập cảnh không được nhận lại, vì vậy nếu muốn được trả lại bản gốc, bạn cần nói trước với họ khi nộp (“「原本還付(げんぽんかんぷ)」でお願いします”).
Trường hợp này bạn hãy nộp cả bản gốc lẫn bản copy.
- Thẩm duyệt hồ sơ của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh:
・Đầu tiên, người ta sẽ xem xét xem tư cách lưu trú của bạn ứng với loại visa nào (visa kỹ thuật/trí thức nhân văn/nghiệp vụ quốc tế…) dựa trên quá trình làm việc và nội dung công việc của bạn tại nơi làm việc.
・Và người ta sẽ kiểm tra xem bạn là người có kiến thức/kỹ thuật hay không dựa vào trình độ học vấn (chuyên môn, nội dung nghiên cứu…) và lý lịch của bạn.
・Liệu kiến thức/kỹ thuật của bạn có thể ứng dụng vào công việc bạn định làm hay không.
・Lương bổng đãi ngộ dành cho bạn đã hợp lý hay chưa, quy mô/doanh thu của công ty đã đủ lớn để bạn có thể làm việc ổn định lâu dài cho công ty hay không.
・Thêm nữa, người ta sẽ xét xem trên thực tế bạn có cơ hội để phát triển nghề nghiệp của mình hay không.
Người ta sẽ không trả kết quả xét duyệt luôn trong ngày mà sẽ gửi thông báo qua đường bưu điện cho bạn sau.
Visa lao động
Một số lưu ý: Không sử dụng giấy tờ, bằng cấp, thông tin giả Phải lấy được bản sao hồ sơ (đơn xin tư cách lưu trú, sơ yếu lý lịch, bảng điểm, bằng đại học v.v..) mà trường tiếng Nhật đã nộp cho cục quản lý xuất nhập cảnh. Có tinh thần trách nhiệm và không bỏ cuộc giữa chừng. Có thể tự mang hồ sơ lên cục quản lý xuất nhập cảnh để nộp.
Một số lời khuyên hữu ích:
Thứ nhất: Liệu có thể xin nghỉ học để chuyển tư cách lưu trú qua đi làm không? Theo lý thuyết, nếu bạn đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng tại Việt Nam thì bạn có quyền xin cục quản lý xuất nhập cảnh cấp tư cách lưu trú “kỹ thuật viên Nhật Bản”, rồi xin nghỉ học để chuyển hẳn qua đi làm.
Thứ hai: Có những cách nào để xin chuyển từ du học qua “kỹ thuật viên”?
Cách duy nhất để thực hiện sự chuyển đổi này là tìm một công ty đồng ý nhận bạn vào làm. Việc tìm công ty thì bạn có thể tự tìm hoặc nhờ thông qua người quen. Bên cạnh đó việc liên lạc với các công ty phái cử kỹ sư, họ sẽ giúp bạn tìm công ty và làm thủ tục cho bạn. Hiện nay có rất nhiều công ty đứng ra làm việc này nhưng cần lựa chọn kỹ càng trước khi quyết định kẻo gặp rắc rối về sau.
Thứ ba: Làm sao để giảm tối thiểu rủi ro?
Cách ít rủi ro nhất đó là tiến hành kết hợp cả 2, tức là bạn vẫn đóng học phí và đi học bình thường, nhưng cũng tiến hành xin chuyển chuyển tư cách lưu trú từ du học qua kỹ thuật viên.
Khi nào mọi giấy tờ, thủ tục OK rồi thì mới xin nghỉ học.
Nếu như bạn vội vàng xin nghỉ sớm mà gặp rủi ro không được cấp phép đi làm thì buộc phải về nước vì nhà trường cũng sẽ không nhận lại bạn nữa.